Lịch sử Bắc_Ireland

tháp Scrabo, hạt Down

Khu vực mà ngày nay là Bắc Ireland là tâm điểm trong cuộc kháng chiến của người Ireland nhằm chống lại các chương trình thực dân hóa của người Anh vào cuối thế kỷ XVI. Quốc vương Henry Đệ Lục của Anh đã tuyên bố thành lập Vương quốc Ireland do người Anh kiểm soát vào năm 1542, song việc người Ireland tiến hành kháng cự đã khiến cho sự kiểm soát của người Anh trở nên rời rạc. Sau khi người Ireland chiến bại trong trận Kinsale, các quý tộc Công giáo người Gael trên đảo đã chạy trốn đến lục địa châu Âu vào năm 1607 và khu vực này trở thành nơi mà những người định cư Tin Lành bao gồm người Anh (chủ yếu theo Anh giáo) và người Scotland (chủ yếu theo Giáo hội Trưởng Lão) tiến hành các chương trình thực dân hóa quy mô lớn. Từ năm 1610 đến 1717, có thể đã có đến 100.000 người Lowland đến từ Scotland trên khắp hòn đảo Ireland, và sau này tại Ulster thì cứ mỗi ba người Ireland lại có năm người Scotland và một người Anh.[16] Các quý tộc Ireland đã tiến hành một cuộc khởi nghĩa vào năm 1641 để chống lại quyền cai trị của người Anh, dẫn đến một cuộc thảm sát những người định cư tại Ulster trong bối cảnh việc thiếu khoan dung tôn giáo trong chính quyền đã châm ngòi cho chiến tranh giữa Anh, Scotland và Ireland. Các chiến thắng của quân Anh trong cuộc chiến này và các chiến thắng của những tín đồ Tin Lành trong chiến tranh William tại Ireland đã khiến sự cai trị của Anh giáo tại Ireland thêm vững chắc. Tại Bắc Ireland, các chiến thắng có tính biểu tượng như bao vây Derry (1689) và trận Boyne (1690) trong giai đoạn sau này của cuộc chiến vẫn được những người hợp nhất chủ nghĩa tổ chức cho đến nay (cả Anh giáo và Trưởng Lão).

Sau chiến thắng năm 1691, và trái ngược với các điều khoản của Hiệp định Limerick, giai cấp thống trị Anh giáo tại Ireland đã thông qua một loạt các điều luật. Mục đích của họ là đưa cộng đồng Công giáo vào thế bất lợi, và ở một mức độ thấp hơn là cộng đồng Trưởng Lão. Trong bối cảnh phân biệt đối xử, thế kỷ XVIII đã chứng kiến các xã hội bí mật, chiến đấu trong các cộng đồng của khu vực và thực hiện các cuộc tấn công bạo lực gây tác động đến căng thẳng giáo phái. Những sự việc này leo thang vào cuối thế kỷ sau một sự kiện được gọi là trận Diamond, nó đã thể hiện uy thế của tổ chức Peep o'Day Boys gồm những người Anh giáo và Trường Lão trước tổ chức Defenders của người Công giáo và dẫn đến sự hình thành của tổ chức Anh giáo Orange Order. Hội người Ireland Liên hiệp có căn cứ tại Belfast đã lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa năm 1798, cuộc khởi nghĩa này được truyền cảm hứng từ Cách mạng Pháp nhằm phá vỡ mối quan hệ lập hiến giữa Ireland và Anh, và thống nhất người Ireland trong tất cả các cộng đồng. Theo sau đó, trong một nỗ lực nhằm chấm dứt chủ nghĩa bè phái và loại bỏ các điều luật phân biệt đối xử (và để ngăn chặn chủ nghĩa cộng hòa kiểu Pháp lan rộng đến Ireland), chính phủ Vương quốc Anh đã thúc đẩy hợp nhất hai vương quốc. Nhà nước mới được thành lập vào năm 1801 với tên gọi Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland, và được điều hành từ một chính phủ và nghị viện đơn nhất đặt tại Luân Đôn.

Từ năm 1717 đến năm 1775, có khoảng 250.000 người đã nhập cư đến các thuộc địa châu Mỹ từ Ulster.[17]

Phân chia Ireland

Trong thế kỷ XIX, các cải cách luật pháp bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII đã loại bỏ các điều luật phân biệt đối xử với tín đồ Công giáo và các chương trình tiến bộ đã cho phép tá điền mua đất từ địa chủ thay vì phải thuê như trước. Đến cuối thế kỷ, quyền tự trị dành cho Ireland trong phạm vi nước Anh, gọi là Home Rule (tức trị trị hay tự quản), được đánh giá rất có khả năng xảy ra. Năm 1912, nó đã trở thành một điều chắc chắn. Một mâu thuẫn giữa Hạ việnThượng viện về một khoản ngân sách gây tranh cãi đã dẫn đến Đạo luật Nghị viện 1911, trong đó cho phép quyền phủ quyết của Thượng viện có thể bị lật ngược. Quyền phủ quyết của Thượng viện là một sự đảm bảo chính đối với những người hợp nhất chủ nghĩa rằng Home Rule sẽ không được ban hành, do phần lớn các thành viên trong Thượng viện là những người hợp nhất chủ nghĩa. Đáp lại, những người phản đối Home Rule trong giới lãnh đạo Đảng Bảo thủ và Hợp nhất như Andrew Bonar Law và đại luật sư Edward Carson ở Dublin đã đe dọa sử dụng vũ lực. Năm 1914, họ lén nhập hàng nghìn súng trường cùng đạn dược từ Đế quốc Đức để các tình nguyện viên Ulster sử dụng, đây là một tổ chức bán quân sự phản đối thi hành Home Rule.

Những người Hợp nhất chủ nghĩa chỉ là thiểu số trên toàn hòn đảo Ireland, song họ lại chiếm đa số tại tỉnh miền bắc Ulster[cần dẫn nguồn] và chiếm một đa số rất lớn tại hạt Antrimhạt Down, và với đa số nhỏ tại hạt Armaghhạt Londonderry. Cũng có một số lượng những người hợp nhất chủ nghĩa đáng kể tập trung tại hạt Fermanaghhạt Tyrone.[18] Sáu hạt này sau đó hình thành nên Bắc Ireland. Toàn bộ 26 hạt còn lại sau đó trở thành Cộng hòa Ireland, nơi mà những người dân tộc chủ nghĩa chiếm thế áp đảo.

Năm 1914, Đạo luật Tự trị thứ ba đã tạo ra sự phân chia "tạm thời" sáu hạt này với phần còn lại của Ireland, nhận được ngự chuẩn. Tuy nhiên, việc thi hành nó đã bị đình hoãn trước khi nó bắt đầu có hiệu lực do Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ. Cuộc chiến này được dự tính là sẽ chỉ kéo dài trong một vài tuần song trên thực tế nó đã kéo dài trong bốn năm. Đến cuối cuộc chiến (trong thời gian này đã nổ ra khởi nghĩa Phục sinh vào năm 1916), Đạo luật được nhìn nhận là không thể thực hiện được. Trong chiến tranh, quan điểm công chúng của cộng đồng "dân tộc chủ nghĩa" chiếm đa số (những người tìm kiếm độc lập lớn hơn từ nước Anh) tại Ireland đã chuyển từ tự trị sang độc lập hoàn toàn. Năm 1919, David Lloyd George đã đề xuất một dự luật mới mà trong đó sẽ phân chia Ireland thành hai khu vực Home Rule: hai mươi sáu hạt được quản lý từ Dublin và sáu hạt được quản lý từ Belfast. Hai khu vực này sẽ có chung một đại thần (Lord Lieutenant of Ireland) do cả chính phủ và Hội đồng Ireland bổ nhiệm, Hội đồng Ireland là cơ cấu mà Lloyd George tin rằng sẽ phát triển thành một nghị viện toàn Ireland.[19] Trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 1918, đảng ủng hộ độc lập là Sinn Féin đã thắng 73 trong tổng số 105 ghế của nghị viện tại Ireland và đơn phương thành lập First Dáil, một nghị viện pháp ngoại tại Ireland.

Ireland bị chia tách giữa Bắc Ireland và Nam Ireland vào năm 1921 theo các điều khoản của Đạo luật Chính phủ Ireland của Lloyd George trong chiến tranh giành độc lập giữa các lực lượng Ireland và nước Anh. Đến khi kết thúc cuộc chiến vào ngày 6 tháng 12 năm 1922, theo các điều khoản của hiệp định Anh-Ireland, Bắc Ireland tạm thời trở thành một bộ phận tự trị của Nhà nước Tự do Ireland mới giành được độc lập, với quyền được lựa chọn không gia nhập vào nó.

Bắc Ireland

Quốc huy được ban vào năm 1924 cho chính phủ Bắc Ireland khi đó, được sử dụng chính thức cho đến khi bị hủy bỏ vào năm 1973.

Theo đúng như mong đợi, Nghị viện Bắc Ireland vào ngày 7 tháng 12 năm 1922 (một ngày sau khi Nhà nước Tự do Ireland được thành lập) đã gửi thư cho George Đệ Ngũ khẩn cầu rằng quyền lực của Nghị viện và Chính phủ Nhà nước Tự do Ireland sẽ không thể mở rộng đến Bắc Ireland".[20][21] Ngay sau đó, một ủy ban được thành lập để phân xử biên giới lãnh thổ giữa Nhà nước Tự do Ireland và Bắc Ireland. Do bùng nổ nội chiến tại Nhà nước Tự do, công việc của ủy ban bị trì hoãn cho đến năm 1925. Các lãnh đạo tại Dublin đòi hỏi thu nhỏ đáng kể lãnh thổ của Bắc Ireland với việc đưa các khu vực dân tộc chủ nghĩa về với Nhà nước Tự do. Tuy nhiên, báo cáo của ủy ban này lại chỉ đề nghị nhượng một số phần đất nhỏ của Nhà nước Tự do cho Bắc Ireland. Để tránh tranh cãi, báo cáo này đã được giữ kín.

Tháng 6 năm 1940, để khuyến khích nhà nước Ireland trung lập gia nhập vào Đồng Minh, thủ tướng Anh Quốc Winston Churchill đã biểu thị với Taoiseach Éamon de Valera rằng Anh Quốc sẽ thúc đẩy Ireland thống nhất, song vì cho rằng Churchill không thể thực hiện điều này, De Valera đã từ chối lời đề nghị.[22] Người Anh đã không thông báo điều này cho Chính phủ Bắc Ireland, và lời từ chối của De Valera đã không được công bố công khai cho đến năm 1970.

Đạo luật Ireland 1949 là một đảm bảo pháp lý đầu tiên với Nghị viện và Chính phủ Bắc Ireland rằng khu vực sẽ không thể thôi là một phần của Anh Quốc mà không có sự chấp thuận của phần lớn cư dân trong vùng.

The Troubles

Bài chi tiết: The Troubles
Quân đội Anh tại Nam Belfast, năm 1981

Giai đoạn The Troubles (rối loạn) bắt đầu từ cuối thập niên 1960, với khoảng 30 năm diễn ra các hành động bạo lực định kỳ trong xung đột giữa cộng đồng dân tộc chủ nghĩa Bắc Ireland (chủ yếu là tín đồ Công giáo) và cộng đồng hợp nhất chủ nghĩa (chủ yếu là tín đồ Tin Lành), với 3.254 người bị giết.[23] Cuộc xung đột có nguyên nhân từ địa vị tranh cãi của Bắc Ireland bên trong Anh Quốc và sự phân biệt đối xử chống lại thiểu số dân tộc chủ nghĩa của đa số hợp nhất chủ nghĩa.[24] Từ năm 1967 đến 1972, Hiệp hội Dân quyền Bắc Ireland (NICRA), tự đi theo mô hình của phong trào dân quyền Hoa Kỳ, đã lãnh đạo một chiến dịch phản kháng dân sự để chống lại sự phân biệt đối xử với người Công giáo trong nhà ở, việc làm, chính sách và thủ tục bầu cử. Tuy nhiên chiến dịch NICRA và phản ứng chống lại nó đã trở thành tiền thân của một thời kỳ bạo lực lớn hơn.[25] Ngay từ năm 1969, các nhóm bán quân sự bắt đầu các chiến dịch vũ trang. Chiến dịch Quân đội Cộng hòa Ireland Lâm thời 1969-1997 có mục tiêu nhằm chấm dứt quyền cai trị của Anh Quốc tại Bắc Ireland và hình thành một Cộng hòa Ireland "ba mươi hai hạt", "toàn Ireland" mới. Lực lượng tình nguyện viên Ulster đã được thành lập vào năm 1966 để đối phó lại cả sự suy giảm quan điểm của các nhân vật Anh Quốc và sự thống trị của hợp nhất chủ nghĩa tại Bắc Ireland. Các lực lượng an ninh nhà nước – Lục quân Anh Quốc và cảnh sát (Cảnh sát Hoàng gia Ulster) – cũng tham gia vào các hành động bạo lực. Quan điểm của chính phủ Anh Quốc là lực lượng của họ trung lập trong cuộc xung đột, cố gắng để duy trì luật pháp và trật tự tại Bắc Ireland cùng quyền tự quyết dân chủ của người dân Bắc Ireland. Những người Ireland cộng hòa thì nhìn nhận lực lượng nhà nước như là những "chiến đấu viên" trong xung đột, cáo buộc sự thông đồng giữa lực lượng nhà nước và lực lượng bán quân sự trung thành. Cuộc điều tra "Ballast" do Police Ombudsman tiến hành đã xác nhận rằng lực lượng Anh Quốc, đặc biệt là Cảnh sát Hoàng gia Ulster, đã thông đồng với các lực lượng bán quân sự trung thành, liên quan đến việc giết người, và cản trở tiến trình công lý khi những lời tuyên bố như vậy được đưa ra trước đây,[26]

Như một hậu quả của tình hình an ninh ngày càng xấu đi, chính phủ khu vực tự trị Bắc Ireland đã bị đình chỉ vào năm 1972. Cùng với tình trạng bạo lực, còn có một bế tắc chính trị giữa các chính đảng lớn tại Bắc Ireland, bao gồm những người lên án bạo lực, trên vấn đề địa vị tương lai của Bắc Ireland và mô hình chính phủ cần có tại Bắc Ireland. Năm 1973, Bắc Ireland đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để xác định liệu lãnh thổ này cần ở lại Anh Quốc hay trở thành một phần của Ireland thống nhất. Cuộc trưng cầu có kết quả là tuyệt đại đa số (98.9%) duy trì tình trạng hiện tại và có 57,5% khu bầu cử có toàn bộ cử tri ủng hộ, song chỉ có 1% người Công giáo đi bầu sau một cuộc tẩy chay do Đảng Dân chủ Xã hội và Lao động (SDLP) tổ chức.[27]

Tiến trình hòa bình

The Troubles kết thúc với một tiến trình hòa bình không dễ dàng, trong đó bao gồm việc hầu hết các tổ chức bán quân sự ngừng bắn và họ sẽ bị tước hoàn toàn vũ khí, cải cách cảnh sát, và tương ứng với đó là việc quân đội rút lui khỏi các đường phố và khỏi các khu vực ranh giới nhạy cảm như Nam Armagh và Fermanagh, theo thỏa thuận giữa các bên ký kết Hiệp định Belfast (thường được gọi là "Hiệp định Thứ Sáu Tuần Thánh"). Hiệp định này khẳng định lại vị thế lâu nay của Anh Quốc, vốn chưa bao giờ được các chính phủ Ireland kế tiếp nhau thừa nhận hoàn toàn, rằng Bắc Ireland sẽ vẫn duy trì là một phần của Anh Quốc cho đến khi có một đa số phiếu thể hiện mong muốn ngược lại. Hiến pháp Ireland đã được sửa đổi vào năm 1999 để loại bỏ một tuyên bố về "quốc gia của người Ireland" có chủ quyền tên toàn bộ Ireland (trong Điều 2). Điều 2 và 3 đã được thêm vào Hiến pháp để loại bỏ các điều khoản trước đây, mặc nhiên thừa nhận rằng tình trạng của Bắc Ireland, và mối quan hệ của nó với phần còn lại bên trong Anh Quốc và với Cộng hòa Ireland, sẽ chỉ thay đổi với sự đồng ý của đa số cư tri của cả hai khu vực pháp lý (Cộng hòa Ireland bỏ phiếu riêng rẽ). Điều này cũng là trung tâm của Hiệp định Belfast được ký kết vào năm 1998 và được thông qua bằng các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức đồng thời tại Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Đồng thời, chính phủ Anh Quốc cũng lần đầu tiên công nhận, như là một phần của tương lai, cái gọi là "Irish dimension": nguyên tắc rằng người dân trên đảo Ireland như là một toàn thể có quyền, mà không có sự can thiệp từ bên ngoài, để giải quyết các vấn đề giữa Bắc và Nam theo thỏa thuận chung.[28] Tuyên bố này là chìa khóa quyết định để những người dân tộc chủ nghĩa và cộng hòa chấp thuận thỏa thuận. Nó cũng hình thành một chính phủ chia sẻ quyền lực phân cấp tại Bắc Ireland, trong đó phải bao gồm cả các đảng hợp nhất chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa. Ngày 28 tháng 7 năm 2005, Quân đội Cộng hòa Ireland Lâm thời đã tuyên bố chấm dứt các chiến dịch của mình và cho ngừng hoạt động toàn bộ kho vũ khí đạn dược của họ. Hành động cuối cùng này phù hợp với Hiệp định Belfast năm 1998.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bắc_Ireland http://www.americanheritage.com/articles/magazine/... http://www.discovernorthernireland.com/ http://books.google.com/books?id=BxOQKrCe7UUC&dq=C... http://books.google.com/books?id=npQ6Hd3G4kgC&pg=P... http://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/719... http://books.google.ie/books?id=IWnrSFoQVw0C&pg=PA... http://www.nationalarchives.ie/topics/anglo_irish/... http://www.sdlp.ie/policy_details.php?id=78 http://www.sinnfein.ie/policies/document/155 http://web.archive.org/web/20060716075752/http://w...